Không có tư thục,đaovìdịchbệnhKhôngthểmặckệhệthốngmầmnontưthụoxbet trường công không gánh nổi
Trẻ mầm non từ 0 - 4 tuổi không thuộc diện phổ cập nên hệ thống trường mầm non công lập ở Hà Nội từ nhiều năm nay chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của người dân.
Hệ thống trường mầm non công lập ít nên không xếp hàng xuyên đêm thì người dân cũng phải bốc thăm để mong có một chỗ gửi con… Theo thống kê, TP.Hà Nội có hơn 1.100 trường mầm non, trong đó có gần 800 trường công lập, còn lại là trường ngoài công lập.
Chính vì vậy, càng ở những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh càng phải “dựa” vào cơ sở mầm non tư thục để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Điều đó đồng nghĩa với việc sau đợt nghỉ dịch kéo dài vừa qua nếu nhiều cơ sở mầm non tư thục giải thể thì hệ thống công lập sẽ càng quá tải và người dân đứng trước nguy cơ không có chỗ gửi trẻ.
Các cơ sở mầm non hoang tàn do đóng cửa quá lâu để phòng, chống dịch |
Hồng Minh |
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết toàn quận có hơn 180 cơ sở mầm non tư thục, hệ thống này đã giúp “cáng đáng” rất nhiều nhu cầu gửi trẻ của người dân khi tốc độ đô thị hóa ở Hà Đông tăng mạnh trong những năm gần đây.
Về phía chính quyền, Q.Hà Đông đã thực hiện rất sớm gói hỗ trợ 1 lần theo Nghị định 105 của Chính phủ với giáo viên (GV) của cơ sở tư thục có đóng bảo hiểm là 1,5 triệu đồng/người. Quận cũng có văn bản gửi các phường đề nghị, khuyến khích các gia đình có cơ sở cho thuê làm trường, lớp mầm non hỗ trợ bằng cách giảm tiền thuê 50 - 70% trong thời gian đóng cửa để phòng dịch… Tuy nhiên, theo bà Hằng, điều đó chỉ hỗ trợ thời gian đầu, còn kéo dài thì cả hai bên đều khó khăn.
Ông Lê Đức Thuận. Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, cho biết đã thực hiện các văn bản của Chính phủ, của TP.Hà Nội để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gồm 406 GV, nhân viên, 61 chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn quận. Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị nhiễm Covid-19… Tuy nhiên, ông Thuận cũng chia sẻ lo lắng thiếu GV và phải mất một thời gian dài để khắc phục.
Việc đóng cửa trường kéo dài, theo ông Thuận, còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ. Nhiều trẻ không có người chăm sóc nên đã về quê ở với ông bà hoặc chuyển nơi ở, không kết nối với cơ sở giáo dục mầm non…
Covid-19 sáng 17.2: Cả nước 2.606.824 ca nhiễm | Hơn 19% bệnh nhân Covid-19 là trẻ em |
Bộ GD-ĐT nói gì ?
Theo Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, phần lớn địa phương đã có kế hoạch mở cửa trường mầm non. Tuy nhiên, dự báo từ các địa phương cho biết khi trở lại học trực tiếp, hệ thống mầm non tư thục sẽ thiếu GV.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt đối với cấp học giáo dục mầm non. Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT cho thấy 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), hơn 80% cơ sở không trả được lương cho GV.
Qua rà soát, Bộ GD-ĐT thấy đến thời điểm hiện nay, các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục mới chỉ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh theo chính sách chung của Chính phủ.
Việc áp dụng chính sách theo quy định tại Quyết định số 23 ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 25,8%) GV mầm non làm việc trong các cơ sở mầm non tư thục được hưởng hỗ trợ khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Hầu hết GV, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ vì lý do chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở mầm non phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất có nhiều điều kiện ràng buộc, gây khó khăn khi tiếp cận như: “Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội” hoặc “không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Do nhiều doanh nghiệp, cơ sở mầm non tư thục đã phải đóng cửa trước thời điểm 1.5.2021 (giai đoạn 2020 - 2021) không có nguồn thu nên không có kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chậm trả lãi, tất toán các khoản vay.
Bên cạnh đó, một số cơ sở quy mô nhỏ không đủ điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Khó khăn về tài chính do phải chi trả các loại thuế, phí đang là áp lực cho các nhà đầu tư kinh doanh giáo dục mầm non hiện nay. Thủ tục, quy trình, thời gian hỗ trợ không được tích hợp luôn trong các chính sách, quy định của Chính phủ nên phát sinh nhiều hồ sơ, điều kiện, thời gian để nhận được hỗ trợ, việc tiếp cận các nguồn lực tài chính còn hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn.
Cần cấp bách hỗ trợ giáo viên
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, để không gián đoạn hoạt động giáo dục mầm non, nhất là hệ thống tư thục, để ngành giáo dục có điều kiện phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ một số giải pháp.
Theo đó, thứ nhất là đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, GV, nhân viên mầm non, tiểu học tại các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định. Phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Theo Thứ trưởng Minh, qua rà soát có khoảng 111.423 cán bộ quản lý, GV, nhân viên thuộc đối tượng này.
Thứ hai, đưa vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính sách hỗ trợ số hóa; chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định, phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch.
Qua rà soát, có khoảng 2.310 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở mầm non ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng. “Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ để có chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho GV mầm non nói chung, GV mầm non các trường ngoài công lập nói riêng để tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh khẳng định.